Interview Questions
from Lay-friends
Interview Questions
from Lay-friends
Interview Questions
from Lay-friends
Interview Questions
from Lay-friends
Tóm Lược Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Từ Thành Đạo Đến Nhập Niết Bàn)
(Soạn Bài và Trình Bài Tại Tịnh Xá Ngọc Hòa 2011: Trọng Hiếu và Hạnh Ngọc)
Trích từ bài viết của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa;
Sách "Đức Phật và Phật Pháp"của Đại Đức Nàrada Mahàthera (Tích Lan-Sri Lanka) viết vào năm 1970;
Trích từ bài viết "Phật Giáo" được đăng trong Bách Khoa Toàn Thư (Wikipedia)
A. Mở Đề:
Trong bài trước chúng ta đã thấy Đức Phật Thích Ca, vì một đại nguyện lớn lao, vì một lòng từ bi vô bờ bến mà xuất gia tìm Đạo. Đại nguyện và lòng từ bi lớn lao ấy là: "cầu thành Phật quả, để trên đền đáp bốn ơn sâu, dưới cứu vớt ba đường khổ."
Sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội bồ đề, vào lúc rạng đông, khi sao Mai lóe sáng trên bầu trời, Ngài bừng tỉnh, giác ngộ được Chân Lý, trở thành bậc Đại Giác Ngộ, thành Phật. Ngài đã nói lên những lời đầu tiên, sau khi giác ngộ: "Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi. Như Lai thênh thang đi đi mãi. Như Lai đi tìm mãi mà không gặp. Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này. Lập đi lập lại đời sống quả là phiền muộn. Này hỡi người thợ làm nhà. Như Lai đã tìm được ngươi. Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng nên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục."(Dhammapada- Kinh Pháp Cù, 153-154) Và tuyên ngôn cao thượng: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành."
Cho nên sau khi giác ngộ, Ngài không vội nhập Niết Bàn, mà nghĩ ngay đến sứ mạng hóa độ của Ngài là: Thay thế chư Phật đời trước, tiếp tục chuyển mê, khai ngộ cho tất cả mọi người.
Sứ mạng ấy Ngài biết trước không phải dễ dàng, vì Đạo của Ngài thì cao thâm huyền diệu, mà chúng sanh căn cơ lại không đều, và từ muôn kiếp đã lặn hụp trong si mê lầm lạc, khó có thể nhận hiểu được ngay, ý nghĩa cao thâm của Giáo Lý Ngài.
Nhưng Ngài xét biết rằng, mặc dù sống trong tăm tối, nhưng mỗi chúng sanh đều có mầm Phật tánh, như hoa sen, mặc dù sống trong bùn tanh hôi, nhưng vẫn tỏa nhụy vàng thơm ngát. Do đó, Ngài đã cương-quyết thực-hiện sứ mạng hóa độ của mình.
I - Sự Hóa Độ Rộng Lớn và Cùng Khắp Của Đức Phật
Sứ mạng hóa độ của Đức Phật, như chúng ta đã biết, thật nặng nề và khó khăn. Nhưng nhờ trí tuệ sáng suốt, nhờ lòng từ bi rộng sâu, nhờ tinh thần bình đẳng triệt để và nhờ ý chí dũng mãnh không thối chuyển, mà Đức Phật đã hoàn thành sứ mạng hóa độ của mình, một cách viên mãn. Trong khi hóa độ, Ngài đã dựa theo ba nguyên tắc sau đây:
1. Hóa độ theo thứ lớp căn cơ
Khi bắt đầu đi truyền Đạo, ý nghĩ trước tiên của Ngài là đến Vườn Lộc Uyển tìm mấy người bạn đồng tu với Ngài trước kia để thuyết Pháp. Mấy người bạn tu ấy là các Ông: Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lực, Ma Ha Nam và Bạc Đề. Bài thuyết Pháp đầu tiên ấy là Tứ-Diệu-Đế. Năm vị nầy đều được khai ngộ, và trở thành 5 đệ tử đầu tiên của Đức Phật.
Kế đó Đức Phật thuyết luôn ba tháng cho 55 người Bà-La-Môn, mà người đứng đầu là Ông Da-Xá, 55 người nầy đều xin qui y theo Phật, và hợp với 5 người trong nhóm Ông Kiều Trần Như, thành 60 đệ tử. 60 đệ tử này sau khi giữ đúng giới luật, được Đức Phật thọ-ký cho đi truyền Đạo khắp nơi.
Đức Phật rời vườn Lộc-Uyển đi về phía Nam, đén xứ Ưu Lầu Tần Loa, và hàng phục một vị tổ sư rất có uy tín của Đạo thờ Thần Lửa là Ông Ma-Ha Ca-Diếp và hai người em của Ông. Ông Ca-Diếp mang tất cả đồ đệ của mình là 1,250 vị, xin qui-y theo Đức Phật.
Nhớ lại lời hẹn xưa với vua Tần-Bà Xa-La, Ngài đến xứ Ma Kiệt Đà vào thành Vương Xá để độ cho Vua. Vua Tần-Bà Xà-La gặp lại Ngài, vui mừng khôn xiết, truyền xây cất Tịnh Xá Trúc Lâm, để thỉnh Đức Phật và Chư Tăng ở lại thuyết Pháp độ sanh.
Trong lúc Phật ở Tịnh Xá Trúc Lâm, thì Vua Tịnh-Phạn nghe tin Ngài đã thành Phật, truyền sứ giả đi thỉnh Ngài về thành Ca Tỳ La Vệ. Nhưng 9 lần, 9 sứ giả đi đều biệt tăm, không trở lại. Thì ra, những người này khi đến Trúc Lâm Tịnh Xá nghe Phật thuyết Pháp, đã say mê quên sứ mạng của mình, và xin thọ giới xuất gia. Lần thứ 10, Tịnh- Phạn-Vương sai một cận thần thân tín là Ưu-Đà-Di, mới thỉnh được Phật về. Trên đường từ thành Vương xá trở về Ca Tỳ La Vệ, Đức Phật đã thuyết Pháp độ cho không biết bao nhiêu người. Về thành Ca Tỳ La Vệ, Ngài ở lại 7 ngày. Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi ấy, Đức Phật đã cảm hóa tất cả dòng họ Thích Ca và tất cả những người trong dòng họ này đều xin qui y, và một số lớn xin xuất gia theo Đức Phật, như các ông: Nan-Đà, A-Nan-Đà, A-Nậu-Lâu-Đà, La-Hầu-La...
Sau khi trở về thăm gia đình và quê hương, Đức Phật cùng các đệ tử lại tiếp tục đi truyền Đạo. Ngài đi đến Thành Xá-Vệ là kinh đô nước Kiều Tát La, thuộc quyền thống trị của Vua Ba-Tư-Nặc. Ở thành này có một vị đại thần tên Tu-Đạt-Đa, giàu lòng bố thí cho những kẻ bần cùng côi cút, nên được gọi danh hiệu là Cấp Cô Độc Trưởng Giả. Ông rất ngưỡng mộ Đức Phật, nên đã trút hết tất cả tiền của và vàng bạc trong kho, ra mua khu vườn rộng lớn của Thái tử Kỳ-Đà, để làm Tịnh Xá cho Đức Phật và đệ tử của Ngài ở, thuyết Pháp độ sanh.
Được ít lâu nghe tin Vua Tịnh Phạn đau nặng, sắp băng hà, Đức Phật vội trở về thăm cha lần cuối cùng. Thấy phụ thân buồn rầu trên gường bịnh Đức Phật thuyết về "Lẽ vô-thường, khổ, không, vô ngã" cho vua nghe. Nghe xong, Vua liền dứt phiền não, gương mặt vui tươi, cất tiếng niệm Phật, rồi băng hà mộ cách êm ái.
Sau khi Tịnh-Phạn-Vương mất, bà mẹ nuôi của Đức Phật là Ma-Ha Ba-Xà Ba-Đề và bà Da-Du Đà-La cùng nhiều người bên nữ giòng họ Thích, xin được phép xuất gia. Từ đó trong Đạo Phật lần đầu tiên có hàng Tỳ Kheo Ni.
Đức Phật cùng các đệ tử lại tiếp tục đi truyền Đạo, đi đến đâu Ngài cũng được sùng mộ, tin theo, và nhiều người noi theo gương của ông Cấp-Cô-Độc, lập Tịnh Xá, cất giảng đường để Ngài thuyết pháp độ sanh.
Như thế chúng ta thấy Đức Phật đã tuần tự hóa độ, và kết nạp để tử, đủ những hạng người, giúp cho họ có đủ căn trí, để hiểu thấu giáo lý của Ngài, rồi nới rộng ra những người khác; lập Tỳ Kheo trước, rồi lập Tỳ Kheo Ni sau.
2- Hóa độ tùy phương tiện
Trong suốt thời gian đi thuyết Pháp độ sanh, lắm khi Đức Phật cũng gặp nhiều cảnh gay go trái ngược, do lòng đố kỵ của ngoại đạo và tà giáo, hay lòng ganh ghét của nội thân quyến thuộc gây ra. Nhưng lúc nào, Ngài cũng tùy phương tiện để cảm hóa họ, và đưa họ về đường ngay lẽ phải.
Chẳng hạn, khi thì Ngài bị cô gái con ngoại đạo, độn bụng giả có chửa, đến giữa Đạo Tràng để vu oan cho Ngài;....khi thì Ngài bị anh chàng Vô Não đuổi theo quyết giết Ngài, để lấy ngón tay, góp thêm cho đủ số một ngàn ngón, mà anh đã giết người để lấy, vì theo thuyết tà đạo, anh tin rằng có làm được như thế, mới chứng quả;...khi thì Đức Phật bị Đề Bà Đạt Đa, người em họ hung ác, âm mưu lãm hại Đức Phật, bằng cách thả voi say, cho chạy đến chà đạp Đức Phật, hay lăn đá to, từ trên núi xuống đè Đức Phật.
Nhưng tất cả những âm mưu ấy đều vô hiệu quả, vì oai đức uy danh, và trí huệ của Đức Phật bao bọc Đức Phật. Không một hành động xấu xa nào, có thể thắng Đức Phật được. Ngài có đủ phương tiện, khôn ngoan khéo léo, xoay chiều đổi hướng dễ dàng, hoán cải được tất cả, nghịch cảnh trở thành thuận lợi. Và cuối cùng, kẻ khinh ghét Ngài, trở lại kính mến Ngài; người chống Ngài, trở lại phục Ngài; kẻ ngoại đạo, trở thành Phật tử. Bằng chứng là: Đề-Bà-Đạt-Đa cũng được Đức Phật thọ ký; anh chàng Vô-Não cũng được qui y; bầy voi say cũng được sám hối; Vua A-Xà-Thế cũng hối cải và quay về đường thiện.
Nói tóm lại, Đức Phật có đủ, muôn ngàn phương tiện, thích ứng với mọi người, mọi vật, mọi hoàn cảnh, để tùy duyên hóa độ tất cả những ai, mà Ngài gặp trên đường truyền Đạo của Ngài. Không phải chỉ ở ngoài đời, mà trong Giáo hội của Ngài, Ngài cũng tùy theo căn cơ, tâm lý của mỗi đệ tử, mà áp dụng phương Pháp thích hợp.
3- Hóa độ theo tinh thần bình đẳng
Tinh thần triệt để bình đẳng, là một điểm son quí giá nhất, trong giáo lý của Đức Phật, cũng như trong tâm hồn Ngài. Ngay từ khi còn ấu thơ, tinh thần ấy đã được bộc lộ, trong những cử chỉ, cứu giúp nhữ kẻ bần cùng, những con vật lâm nạn, như chúng ta đã thấy trong bài trước.
Khi thành Đạo, tinh thần bình đẳng ấy, lại bộc lộ rõ ràng hôn nữa. Ngài đã có những câu nói bất hủ, khiến cho ngày nay, người ta vẫn đem ra, làm khuôn vàng thước ngọc, như khi Ngài, xin nước của một người, thuộc giai cấp hạ tiện nhất Ấn-độ, người nầy sợ làm lây ô-uế cho Ngài, thì Ngài phán bảo: "không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn. Mỗi người sanh ra, đều có Phật tánh, và có thể thành Phật."
Trong xã hội Bà La Môn, sự phân chia giai cấp được mô tả là vô cùng khắc nghiệt, giai cấp hạ lưu chỉ đụng tay vào giai cấp thượng lưu cũng đủ để bị tội chặt tay, thì một quan điểm bình đẳng rốt ráo, bình đẳng không chỉ giữa người với người, mà trên bình diện chúng sinh như thế của nhà Phật, phải nói lá Đức Phật đã làm một cuộc đại cách mạng. Ngay đến thế kỷ thứ hai mươi mốt này, tại nhiều quốc gia trên thế giới, người ta vẫn còn đang phải chật vật tranh đấu để giành quyền bình đẳng giữa nam nữ, giữa các mầu da, vân vân, thì Đức Phật, cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, đã tuyên bố: "Không có sự khác biệt giữa những giọt nước mắt cùng mặn và những giọt máu cùng đỏ," cao thượng thay lời nói của Bậc Đại Giác!
Trong Giáo hội của Ngài, Ngài nhận cả những người thuộc giai cấp hạ tiện. Như ông Ưu-BaLy, một đệ tử của Ngài có tiếng tăm về giới luật, lại là một người thuộc giới hạ tiện Chiên-ĐàLa, làm nghề cắt tóc. Sự thâu nhập ấy, đã làm cho các vị vua chúa bất mãn. Chính vua Ba-TưNặc đã bạch Phật: "Đấng Chí Tôn, thâu nhận kẻ hèn hạ vào hàng Tăng Đồ như vậy, không ngại rằng đá sỏi lẫn lộn với châu ngọc, làm mất giá trị của chúng Tăng sao?" Đức Phật dạy rằng: "Người hèn hạ mà biết phát tâm Bồ-Đề, xuất gia tu hành, chứng được quả Thánh, thì qui báu vô cùng, chẳng khác gì hoa sen mọc ở bùn lầy dơ bẩn, mà vẫn tinh khiết thơm tho." Một người sanh ra không phải liền thành Bà-La-Môn (giai cấp trên hết) hay Chiên-Đà-La (giai cấp thấp nhất), mà chính vì sở hành của người ấy, tạo thành Chiên-Đà-La hay Bà-La-Môn."
II- Năm Thời Kỳ Nói Kinh
Tóm lại, trong một đời của Đức Phật, tùy theo trình độ của mọi người, mà thuyết Pháp giáo hóa. Mãi đến khi Ngài nhập diệt, cộng là 49 năm. Những Kinh Pháp của Ngài nói ra, về sau các đệ tử kết tập, chia ra làm năm thời.
1. Thời Thứ Nhất Nói Kinh Hoa-Nghiêm
Khi Phật mới thành Đạo, ở tại cội Bồ Đề, nói KINH HOA NGHIÊM trong 21 ngày.
Kinh Hoa Nghiêm, gọi đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, là bộ kinh điển trọng yếu, hiển bày ý nghĩa tuyệt vời về nhân hạnh quả đức của Phật-Đà như tập hoa trang nghiêm, rộng lớn viên mãn, vô tận vô ngại, qua các vị Bồ-Tát lớn Phổ Hiền, Văn-Thù, sau khi Phật Thành Đạo tại các nơi như Bồ Đề Đạo Tràng v.v....
Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh đại thừa, là vua trong các Kinh, với nội dung, siêu việt, tuyệt luân, hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Đức Phật.
Hoa Nghiêm tiếng Phạn là Avatam Saka, có nghĩa là, đóa hoa thanh khiết, tuyệt đẹp nhất trần gian, ngát hương khắp mười phương các cõi Pháp giới.
Kinh Hoa Nghiêm bao gồm 8 tập hay 40 phẩm, đại biểu cho, tư tưởng Phật Pháp Đại-Thừa, về lý hữu hóa duyên sanh của vạn Pháp. Tư tưởng Hoa Nghiêm, trình bày vạn Pháp do tâm sanh. Tâm là thực thể của vạn Pháp. Tâm chơn, thì Pháp giới tánh với Tâm là một, vạn Pháp đồng nhất thể. Tâm thanh tịnh, thì thấu đạt chơn lý Phật tánh, suốt thông Pháp giới vô ngại, thể nhập bất tư nghì, giải thoát hạnh môn.
Tất cả vạn Pháp trong Pháp giới đều từ tâm sanh. Tâm trùm khắp cả Pháp giới. Thể tánh của Tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả. Đó là bản tánh vô ngại của Tâm. Bản tánh chơn tâm, suốt thâu vạn Pháp hữu tình và vô tình; lấy toàn thể Pháp giới tánh làm lượng; lấy xứng tánh, bất tư nghì vô ngại, giải thoát làm thể. Đó là ý nghĩa căn cốt của Kinh Hoa Nghiêm.
Ngoài ra Kinh Hoa Nghiêm còn là một thông điệp, một bài học phong phú sinh động muôn đời, trao gởi cho hành giả có tâm hướng thượng đại-thừa, tu là cần phải học, phải hành qua hình ảnh Thiện Tài đồng tử, tham bái cầu học đạo, với năm mươi ba vị thiện tri thức, là bằng chứng cho ta thấy rằng, tu học Đạo Bồ-Đề điều tiên quyết, cần phải khắc phục nội tâm cống cao nhã mạn, dục vọng loạn tưởng; ngoài thân khiêm cung, cầu tiến hành trì phương Pháp, Hoa Nghiêm tuyệt đỉnh, tìm chân sư liễu ngộ, mới mong hiển lộ, được Phật tánh chơn tâm của mình.
2. Thời Thứ Hai Đức Phật Nói Kinh A-Hàm
Vì vậy thời thứ hai, Đức Phật nói Kinh A Hàm trọn 12 năm, dùng thí dụ thực tế, chỉ rõ chân lý cho hàng Tiểu thừa dễ nhận, mà lo bề tự tu và tự độ.
Đức Thích Ca, y theo chư Phật mà nói Pháp Tam Thừa: biết rằng: "Muốn đi xa phải do nơi gần, muốn lên cao phải từ nơi thấp."
Từ ngữ A-Hàm hay Agama, nói theo nghĩa rộng, là chỉ cho những giáo thuyết được truyền thừa, hoặc các Thánh điển do sưu tập các giáo thuyết ấy tạo thành. Do vậy, thông thường nói Kình A-Hàm tức chỉ cho 4 bộ hoặc 5 bộ, Thánh điển của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Kinh điển A-Hàm, là kinh điển có hình thái Nguyên Thủy nhất.Trên phương diện Văn học sử, người ta tìm thấy ở đây, hình ảnh sống động nhất và chân thật nhất, về cuộc đời Đức Phật, và Giáo Đoàn Phật Giáo ngày xưa.
Phật Giáo Nguyên Thủy, là thời Giáo Pháp còn nhất vị, giáo đoàn còn thống nhất, chưa phân chia thành bộ phái, tức trong khoảng thời gian từ khi Đức Phật bắt đầu thành lập Giáo Đoàn, hoằng dương Giáo Lý cho đến 100 năm (hoặc 200 năm) sau khi Đức Phật nhập diệt. Kinh điển trong thời kỳ này, bao hàm hình thái Nguyên Thủy nhất của Giáo Thuyết Phật. Đây là cơ sở Giáo Lý căn bản của Phật Giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa sau này.
3. Thời Thứ Ba Phật Nói Kinh Phương Đẳng
Đạo Phật chẳng những dạy Pháp Giác Ngộ phần mình, mà Ngài còn chỉ bày phương Pháp Giác Tha nữa, tức là khuyến khích, từ cái giác ngộ tiêu cực nhỏ hẹp của Tiểu Thừa (A-LaHán), để tiến lên cái giác ngộ tích cựu bao la, của Đại Thừa Phật Giáo.
Ấy là thời nói Kinh Phương Đẳng trọn 8 năm, dẫn dắt Tiểu Thừa qua Đại Thừa. Kinh Phương Đẳng thuộc Đại-Thừa Phật Giáo. Phương-đẳng hay còn gọi là Phương-quảng để, chỉ cho các hàng Bồ-Tát thực hành tu chứng, đắc đạo đều theo lý của Kinh nầy.
Chữ Phương-Đẳng có thể phỏng dịch theo lý như sau: Phương là vuông vức ngay thẳng. Đẳng là bình đẳng để chỉ cho lý Trung Đạo.
Hay nếu căn cứ theo "sự" để dịch, chữ Phương có nghĩa là rộng, còn Đẳng là đều đặn, quân bình. Đức Phật THÍCH-CA nói Kinh nầy, để hướng dẫn hàng Bồ-Tát theo 4 tiêu chuẩn: TạngGiáo, Thông-Giáo, Biệt-Giáo, và Viên-Giáo để đưa Đại Căn Trí, Đạt Ngộ Chân Lý Giải Thoát.
Có thể dịch một cách khác hơn: Phương là phương Pháp, và chia ra làm 4 như sau: Hữu-môn, Không-môn, Song-diệc-môn và Song-phi-môn (phàm, thánh, cả phàm và thánh đều nương vào nhau, phàm thánh đều không còn trên danh nghĩa nữa, mới đạt được chân lý). Đẳng là đều nhau, chan hòa đến tất cả muôn loài vạn vật như nhau, là căn cứ vào sự, còn lý theo như Pháp tứ môn, hợp với lý tính bình đẳng, nên có tên "Phương-đẳng."
4. Thời Thứ Tư Đức Phật Nói Kinh Bát Nhã
Đến khi Đức Phật xem căn cơ của chúng sanh, có thể tiến lên một từng cao nữa, là hấp thụ được hoàn toàn giáo Pháp Đại Thừa, nên Ngài chỉ bày Đạo Lý Chân Không của Vũ Trụ, thuyết minh cái thật tướng, vô tướng của các Pháp.
Ấy là thời kỳ nóiKinh Bát Nhã trọn 22 năm.
Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnaparmaita Sutra) là một trong những bài Kinh phổ biến, và quan trọng nhất của Đức Phật Giáo Đại Thừa.
Bát Nhã do Phạn ngữ Prajnoa phiên âm. Tàu dịch nghĩa là Tuệ, Trí Tuệ hay Không Trí.
Bát Nhã là loại trí tuệ siêu thiện ác, trí tuệ vô phân biệt đã rủ sạch phiền não. Cho nên, từ trong bản chất, nó là loại trí tuệ thanh tịnh, rỗng lặng, không chút bợn nhơ, trong suốt như hư không, nên cũng được gọi là không trí. Do đó, nó thường xuất hiện như một thứ trí tuệ sâu xa vi diệu, mà Tâm Kinh Bát Nhã gọi là thâm Bát Nhã, trí tuệ sâu xa.
Vì tính chất nó như thế, nên nó hoàn toàn tự tại trước mọi đối tượng nhận thức, trong mọi hoàn cảnh, nó không bị đối tượng hay hoàn cảnh chi phối buộc ràng. Từ đấy, nó soi suốt thật thể các Pháp tức các hiện tượng trên cõi đời, thấy rõ bản chất của chúng.
Trí tuệ ấy tự bản chất nó, được mệnh danh là Thật Tướng Bát Nhã. Lại cũng trí tuệ đó, trên phương diện tác dụng, soi suốt các hiện tượng, thì mang tên Quán Chiếu Bát Nhã. Thật tướng trong suốt vắng lặng, quán chiếu cũng trong suốt rỗng lặng, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Và có trong suốt vắng lặng như thế, thì mới thấy được cái thực chất nhân duyên sanh, của tất cả các Pháp.
Vì đã do nhân duyên sanh, các Pháp thảy đều không có tự thể, thảy đều giả hữu, hết thảy đều không. Không ở đây, phải hiểu là không có thật thể. Thuật ngữ Phật Giáo gọi cái không ấy, là Thuấn Nhã Đa, tức phiên âm chữ ÚĺnyatȄ, thường dịch là Tánh Không.
5. Thời Thứ Năm Đức Phật Nói Kinh Pháp Hoa và Niết Bàn
Sự hóa độ một đời của Đức Phật gần viên mãn, thêm thấy căn cơ của chúng sanh đã thuần thục, có thể gánh vác Đại Thừa Chánh Pháp của Đức Như Lai, nên Ngài bèn nói rõ bản hoài của Ngài, thị hiện ra đời là vì một nguyên nhân lớn: "Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến." Ngài phú chúc, thọ ký cho các hàng đệ tử, tương lai sẽ thành Phật.
Ấy là thời nói Kinh Pháp Hoa và Kinh Niết Bàn trọn 8 năm. Đến đây nhiệm vụ, thuyết Pháp độ sanh của đời Ngài đã viên mãn.
Kinh Pháp-Hoa là bộ Kinh đại thừa, gồm bảy quyển, tổng cộng là 28 phẩm, suốt hơn sáu vạn lời, nghĩa lý sâu xa, kinh văn rộng lớn, chứa đựng tâm nguyện và phương tiện huyền diệu ngời sáng của Đức Phật và Bồ-Tát.
Tâm nguyện của Đức Phật, là tâm nguyện khắp độ chúng sanh, đạt thành Đạo quả giác ngộ. Bởi thế, nên ngay quyển đầu, của Kinh Pháp Hoa, về phẩm phương tiện đã nói: Phật ra đời, là vì một nhơn duyên lớn duy nhất, là khai thị chúng sanh, ngộ nhập tri kiến Phật. Thế nghĩa là, Đức Phật rộng mở phương tiện Pháp môn, chỉ bày chơn tâm Phật tánh, để chúng sanh, tin tưởng khả năng thánh thiện của mình, mà tiến tu đến Phật quả.
Hai mươi tám phẩm Kinh Pháp-Hoa, chan chứa tâm hạnh của Đức Phật và Đại Bồ-Tát, trải dài những con đường phương tiện, giáo hóa thênh thang, ngõ hầu mang chúng sanh, từ phàm đến thánh, từ tam thừa Thanh-Văn Duyên-Giác và Bồ-Tát, đến quả vị nhứt thừa, vô thượng Phật quả.
Kinh Đại Bát Niết Bàn, gồm 29 phẩm, là tên Bộ Kinh do Đức Phật Thích Ca thuyết trước khi Ngài Niết Bàn.
Kinh Đại Bát Niết Bàn, bao quát hầu như đủ mọi thắc mắc của chúng sinh. Vì thời gian có hạn, nên lời Ngài dạy rất cô đọng, nhưng minh bạch, rõ ràng.
Thí dụ như nơi Phẩm Kim Cang, Thân thứ năm và Phẩm Như Lai Tánh, thứ mười hai, Ngài giải thích cặn kẽ về Chân Ngã hay Phật Tánh, đó chính là bản thể thanh tịnh, thường hằng bất biến, của tất cả mọi loài chúng sinh, mênh mông như hư không, thường trụ bất hoại, tuy vậy bản thể ấy không phải tất cả chúng sinh là một, nhưng cũng không phải là khác, vượt ra khỏi tư tưởng suy nghĩ thông thường, của đời sống tương đối hiện tượng, cho nên gọi là bất khả tư nghì, tức không thể nghĩ bàn, nhưng chính là cái chân thật của mọi chúng sinh, không phải là cái "Tôi" ô nhễm tham sân si, đầy vướng mắc khổ vui vô thường này. Bản thể ấy, tràn ngập khắp nơi, nhưng chúng sinh bị trói buộc, vì phiền não, tham sân si, nhiễm ô che mờ, nên không thấy được. Bản thể ấy, luôn luôn sẵn sàng, tịch tĩnh hiện diện, nên gọi là Như Lai.
III. Sự Hóa Độ Viên Mãn
Tuần lễ thứ hai sau khi Thành Đạo, Đức Phật trải qua một cách bình thản. Nhưng trong sự yên lặng ấy, Ngài đã ban bố cho thế gian một bài học luân lý quan trọng. Để tỏ lòng, tri ơn sâu xa đối với cây Bồ-Đề, vô tri vô giác, đã che mưa đỡ nắng cho Ngài, suốt thời gian chiến đấu, để Thành Đạt Đạo Quả, Ngài đứng cách một khoảng xa, để chăm chú nhìn cây Bồ-Đề, trọn một tuần không chớp mắt.
Từ khi Thành Đạo dưới gốc cây Bồ-Đề, cho đến ngày nhập diệt, trải qua một thời gian 49 năm, Đức Phật đã đi khắp xứ Ấn Độ rộng lớn bao la, hết nước này đến nước khác. Hễ chỗ nào có chân Ngài dẫm đến là Ánh Đạo Vàng bừng tỏa huy hoàng.
Mỗi ngày Ngài theo một thời dụng biểu, một chương trình nhất định, không bao giờ xao lảng, giải đãi, từ khi trẻ cho đến già, từ mùa mưa cho đến mùa nắng.
Mỗi năm, Ngài đi chu du để thuyết Pháp độ sanh, trong 9 tháng nắng ráo; còn ba tháng về mùa hạ có mưa lớn (theo thời tiết Ấn Độ), thì Ngài lại ở luôn trong Tịnh xá để an cư kiết hạ.
Ròng rã trong 49 năm như thế, hạt giống Từ Bi được Ngài tinh tấn gieo rắc khắp các xứ ở Ấn Độ. Từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ rừng rú đến đồng bằng, không nơi nào là Ngài không đặt chân đến, hay truyền đệ tử đến thay Ngài để hóa độ chúng sanh. Và ở đâu Ngài và các đệ tử cũng được, nhân dân, từ vua đến dân, từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, từ phái nam đến phái nữ, đổ xô ra đón tiếp Ngài, vui thú được tắm gội trong ánh nắng trí huệ và nước Từ Bi do Ngài tưới xuống.
Ở đâu có Ánh Đạo vàng đến, thì Tà giáo và Ngoại giáo lui xa dần, tan biến như những làn mây, như những bóng tối, tan biến trước ánh bình minh đang lên. Giọng thuyết Pháp của Ngài có oai lực như tiếng su tử rống, làm cho cầm thú phải khiếp phục, như tiếng Hải triều lên, lấn ác tất cả bao nhiêu tiếng tỉ tê của côn trùng, chim chóc.
Đạo Bồ-Đề từ đây đã ăn sâu gốc rễ, trên Ấn Độ bao la, và trở thành Tôn Giáo chính của các nước lờn, nhỏ thời bấy giờ tại Ấn Độ. Đức Phật sau khi đã tự giác, đã giác tha, và đến đây, giác hạnh của Ngài đã viên mãn.
IV. Trước Khi Nhập Niết Bàn
1. Phật Báo Tin Sắp Lìa Đời
Khi giác hạnh đã viên mãn, thì Đức Phật đã 80 tuổi. Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật vô thường mà biến đổi, yếu gia. Năm ấy Ngài vào hạ ở rừng Sa La trong xứ Câu Ly, cách Thành Ba La Nại chừng 120 dặm. Một hôm Ngài gọi Ông A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Ngài đến và phán bảo:
"A Nan! Đạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay ta đã có đủ bốn hạng đệ tử: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển Xe Pháp, và Đạo ta cũng đã truyền bá khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các ngươi mà ra đi. Thân hình ta, theo luật vô thường, bây giờ như một cổ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở Pháp, nay xe đã vừa mòn, mà Pháp cũng đã lan khắp nơi, vậy ta còn tiếc làm gì cái thân tiều tụy này nữa? A Nan! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết Bàn."
Tin Đức Phật sắp vào Niết Bàn, lan ra như một tiếng sét. Các đệ tử của Ngài đi truyền Giáo ở các nơi xa, lục lục trở về để cùng đấng Giác Ngộ chia ly lần cuối.
Trong thời gian ba tháng cuối cùng của Ngài, Đức Phật vẫn không nghỉ ngơi, mà vẫn tiếp tục đi truyền Đạo. Một hôm Ngài đi thuyết Pháp ngang qua một khu rừng, gặp một người làm nghề thợ rèn, Ông Thuần Đà, thỉnh Ngài về nhà để thọ trai, với tâm rất trong sạch. Ngài im lặng nhận lời cùng các đệ tử theo Ông về. Đến nhà, Ông Thuần Đà dọn ra cúng dường Ngài, một bát cháo nấm Chiên đàn, thường gọi là nấm heo rừng, vì giống nấm nầy rất được giống heo rừng ưa thích.
Theo lời chỉ dạy của Đức Phật, Ông Thuần Đà (Cunda) chỉ dâng vật thức ấy đến Ngài mà thôi, còn lại bao nhiêu phải đem chôn, sẽ không có ai khác dùng đến.
Thọ trai xong, Đức Phật nhiễm bịnh lỵ huyết trầm trọng, rất đau đớn, gần như sắp chết. Đức Phật cùng các đệ tử từ gĩa Ông Thuần Đà ra đi. Được một quãng đường, Ngài trao bình bát cho Ông A Nan, và truyền treo võng lên, trong rừng Cây Ta-La (tạm dịch là cây song thọ, cây có hai nhánh lớn chia ra như hai cái nạn), để Ngài nằm nghỉ. Ngài nằm xuống võng đầu trở về hướng Bắc, mình nghiêng về phía, mặt xây về hướng mặt trời lặn, hai chân tréo vào nhau.
Nghe tin Ngài sắp nhập Niết Bàn, dân chúng quanh vùng đến kính viếng rất đông, trong số ấy, có một Ông già một trăm hai mươi (120) tuổi, tên là Tu-Bạc Đà-La (Subhadra) đến xin xuất gia thọ giới Sa Di với Ngài, Ngài hoan hỷ nhận lời. Đó là người đệ tử cuối cùng trong đời Ngài.
2. Phật nói Kinh Di Giáo và những lời phú chúc
Lúc bấy giờ, các đệ tử của Ngài đều có mặt đông đủ, chỉ trừ Ông Ca-Diếp vì đi thuyết Pháp xa, chưa về kịp. Ngài hội tất cả đệ tử và tín đồ đến quanh Ngài, và dặn dò một lần cuối. Ngài phú chúc như sau:
a) Y Bát của Ngài sẽ truyền cho Ông Ma-Ha Ca-Diếp.
b) Các đệ tử phải lấy giới luật làm Thầy.
c) Ở đầu các Kinh phải nên nêu 4 chữ: "Như thị ngã văn."
d) Xá lợi của Ngài sẽ chia làm ba phần:
Một phần cho Thiên Cung; Một phần cho Long Cung, và Một phần chia cho tám (8) vị Quốc Vương ở Ấn Độ.
Sau đây là lời vàng ngọc mà Ngài đã để lại trong giờ phút cuối cùng.
"Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự Giải Thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một người nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!" "Chính ta làm cho ta ô nhiễm, và cũng chính ta làm cho ta trong sạch- Kinh Pháp Cú"
"Này! Các người phải sống chuyên cần, tinh tấn, giác tỉnh, chánh niệm, từ khước mọi tham ái trong thế gian, luong luôn phát triển tâm định, đối với thân, thọ, tâm và Pháp (Tứ Niệm Xứ-Satipatthãna)
"Này! Các người đừng nghe dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quí giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có Đạo ta là quí báo. Chỉ có Chân Lý của Đạo ta là bất di, bất dịch. Hãy tận lực liên tục chuyên cần. Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của ta!"
Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài Nhập Định rồi vào Niết Bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày rằm tháng hai âm lịch.
Rừng Cây Ta-La, tuôn hoa xuống phủ lên thân Ngài, trời đất u ám, cây cỏ héo úa, chim chóc im bặt tiếng hót. Vạn vật như chìm lặng, trong giây phút nặng nề, của sự chia ly.
Các đệ tử, tẩn liệm xác Ngài vào trong kim quan, và 7 ngày sau, đưa kim quan Ngài vào Thành Câu-Thi, để tại Tịnh Xá Thiện Quang, và làm Lễ Trà Tỳ (Lễ Hỏa Thiêu).
Tám vị Quốc Vương lớn ở Ấn Độ, kéo binh hùng tương dũng, đến toan tranh dành Xá Lợi. Nhưng Ông Hương-Tích, y theo di chúc của Đức Phật, đứng ra điều đình, và nhờ thế, việc phân chia Xá Lợi đều được ổn thỏa.
C - Kết Luận
Đức Phật đã nhập Niết Bàn, nhưng Giáo Lý cao siêu, mà Ngài đã dày công hoằng dương, trong suốt 45 năm trường, vẫn còn lưu lại đến ngày nay, cho nhân loại, trọn vẹn, đầy đủ, và hoàn toàn tinh túy.
Bốn chân lý cao thượng Tứ Diệu Đế, mà chính Đức Phật đã khám phá, và truyền dạy cho thế gian, là đặc điểm chính yếu, và cũng là, nền tảng vững chắc của Phật Giáo. "Con đường Trung Đạo nầy dẫn đến sự yên lặng, sự thành tựu, sự Giác Ngộ và Niết Bàn - Kinh Chuyển Pháp Luân"
Đức Phật đã nhập Niết Bàn, nhưng gương sáng của đời Ngài vẫn còn chiếu sáng rực rỡ, trước mắt chúng ta. Suốt một đời, trong 80 năm trời, không một lúc nào, Ngài xao lảng mục đích tối thượng, là hóa độ chúng sanh, đang trầm luân trong bể khổ. Khi còn tại gia, Ngài là người, ở trong một địa vị có diễm phúc nhất, cao nhất của người đời. Thế mà, Ngài vẫn không màng tưởng đến.
Đức Phật là người đầu tiên, trong lịch sử nhân loại, đã cố gắng loại bỏ, chế độ mua tôi bán mọi, đã xây dựng một nền luân lý cao thượng, và ý niệm về tình huynh đệ giữa loài người. Và bằng những danh từ mạnh mẽ, Ngài đã lên án, hệ thống xã hội phân chia giai cấp, có tính cách xúc phạm, đến phẩm giá con người, lúc bấy giờ đã ăn sâu, trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.
Khi vào trong Đạo, Ngài là người, ở trong địa vị cao nhất của Đạo, thế mà Ngài, vẫn không chịu ở yên trong địa vị ấy, lại vất vả dủi rong, trên mọi nẻo đường, bụi bặm gai góc, để đưa chúng sanh, lên con đường hạnh phúc an vui, và giải thoát hoàn toàn. Lòng từ bi của Đức Phật thật vô lượng, vô biên.
Lòng Từ Bi Của Đức Phật
Mùa Hè tại Ấn Độ mưa nhiều, nên côn trùng sinh sôi nẩy nở do thời tiết ẩm thấp. Vì thế, Đức Phật đặt ra mùa an cư Kiết Hạ, mỗi năm ba tháng, từ sau Rằm Tháng Tư, cho đến Rằm Tháng Bảy, để chư Tăng Ni không đi ra ngoài, tránh giẫm đạp lên côn trùng.
Từ tấm lòng từ bi vô bờ bến, Ngài đã ra giới cho các tu sĩ, không được chặt cây, đào đất, vì làm như vậy, có thể giết hại các loài vi sinh vật. Sở dĩ có thể thi hành giới này, vì vào thời Phật còn tại thế ở Ấn Độ, Tăng Sĩ ôm bình bát đi khất thực hằng ngày, không cần phải trồng trọt để mưu sinh.
Ngài cũng ban hành giới luật Không Sát Sinh, yêu cầu mọi người, chớ có tự tay mình, giết hay bảo người khác giết. Ngài yêu cầu phải trân quý, giá trị thiêng liêng của sự sống, phải bảo vệ sự sống, đối với tất cả mọi loài chúng sinh.
Như Ngài đã nói trong Kinh Từ Bi thuộc Kinh Tạng Pali:
"Nguyện cho mọi người và mọi loài, được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi."
"Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất, đều được sống an lành: những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh."
"Nguyện cho đừng loài nào, sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm, mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn."
1 - Người đời nên noi gương sáng của Phật
Sự hy sinh cao cả, lòng từ bi rộng lớn, trí tuệ sáng suốt, ý chí dũng mãnh của Ngài không những là bao nhiêu gương sáng cho riêng hàng Phật tử, mà còn cho tất cả mọi người. Nếu chúng ta quan niệm Ngài là một vĩ nhân của nhân loại từ xưa đến nay.
Nếu chúng ta quan niệm Ngài là một bậc siêu nhân, thì đó là một bậc siêu nhân, cao hơn những bậc siêu nhân khác. Nếu ta quan niệm, đời Ngài là một sự thị hiện của Đức Phật, thì đó là, sự thị hiện đẹp đẽ nhất, và đầy đủ ý nghĩa hơn hết, trong các sự thị hiện.
Cho nên, không những đối với Tín đồ Phật Giáo, mà đối với toàn thể nhân loại, Đức Phật đáng được tôn sùng và chiêm ngưỡng.
Đức Phật đã dạy, "Con đường cao thượng nhất là Bát Chánh Đạo. Chân lý cao thượng nhất là Tứ Diệu Đế. Không luyến ái là trạng thái cao thượng nhất. Cao thượng nhất trong các loài là Đấng Toàn Giác. Hạnh phúc tối thượng nhất là Niết Bàn."(Kinh Pháp Cú)
Đức Phật đã ân cần tuyên bố: "Bất luận Chơn Lý nào mà Như Lai đã truyền dạy, các người hãy thực hành một cách khéo léo, trao dồi phát triển đầy đủ, để đời sống thiêng liêng được duy trì trường tồn vĩnh cửu, vì tình thương chúng sanh, vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của nhiều ngươi...." Những lời nầy, là thông điệp muôn đời, của tình thương yêu nhân loại, gởi đến cho toàn thể mọi người, khắp hành tinh đang thực hiện lời dạy của Ngài, hãy vì hạnh phúc của nhiều người, hãy xây dựng hạnh phúc cho mình và cho người.
2 - Tín đồ nên ghi nhớ những lời di chúc của Phật
Chúng ta, những Phật tử, ai cũng biết đời Đức Phật là đẹp đẽ, cao cả; bài học của đời Ngài là quí báu, sâu xa. Nhưng nếu chúng ta không cố gắng học tập, thì bài học, dù hay và quí báu bao nhiêu, cũng vô ích. Đức Phật trước khi nhập diệt, đã dặn một câu cuối cùng:
"Mọi vật ở đời không có gì quí giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có Đạo ta là quí báu. Chỉ có chân lý của Đạo ta là bất dịch. HÃY TINH TẤN LÊN ĐỂ GIẢI THOÁT!"
Vậy thì, điều kiện trọng yếu nhất để giải thoát, là sự tinh tấn. Chúng ta, đừng bao giờ quên điều kiện ấy, trong khi tu hành.
Cầu mong quý vị thoát khỏi đau khổ và tất cả những nguyên nhân của đau khổ, đạt được niềm vui và bình an!
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật